Việt Nam có gần 50.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà
Đến đầu tháng 9/2020, có gần 50.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, vận hành với tổng công suất gần 1.200 MWp, theo EVN.
Riêng ở 21 tỉnh thành phía Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho hay, tính đến 31/8, đã có 3.140 MWp năng lượng điện mặt trời vận hành trên lưới. Trong đó, gồm 52 nhà máy điện mặt trời công suất 2.584 MWp và 22.394 khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 556 MWp.
Điện mặt trời bùng nổ tại Việt Nam trong 3 năm trở lại đây kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 và sau đó là Quyết định đầu tháng 4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà còn rất lớn. Ngoài hàng triệu mái nhà của các hộ gia đình thì mái của cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, các trung tâm thương mại, nhà xưởng trong khu công nghiệp… cũng là những nơi có thể khai thác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng Giám đốc EVNSPC, việc triển khai điện mặt trời mái nhà hiện vẫn có một số rào cản nhất định, từ cả 3 phía tham gia vào thị trường này.
Trước hết, với chủ mái nhà còn thiếu tài chính và cơ chế tham gia đầu tư, nhất là với các đơn vị quản lý tài sản công như trường học, bệnh viện. Còn nhà đầu tư có thể chịu rủi ro nếu không đánh giá đầy đủ hiệu quả và thông tin pháp lý. Trong khi đó, nhà cung cấp giải pháp khó quảng bá, tiếp cận khách hàng.
Góp phần giải quyết vấn đề này, EVN vừa đưa vào vận hành thử nghiệm nền tảng điện mặt trời mái nhà EVNSOLAR. Về cơ bản, đây là sàn kết nối, giao dịch giữa 4 nhà: chủ sở hữu mái nhà, nhà đầu tư muốn làm điện mặt trời mái nhà, nhà thầu EPC (đơn vị cung cấp trọn gói giải pháp) và nhà đầu tư muốn chuyển nhượng dự án điện mặt trời mái nhà.
Các nhà cung cấp dịch vụ tham gia nền tảng phải cam kết chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Với mỗi dự án điện mặt trời mái nhà sau khi hoàn thành, nhà thầu sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ hoàn công chi tiết (Solar Quality Passport) dựa trên mẫu hồ sơ theo tiêu chuẩn đánh giá của Đức. Thông qua bộ hồ sơ này, chủ đầu tư có thể đánh giá được chất lượng của dự án đã hoàn thành.
Ngoài ra, sau khi dự án hoàn tất, mỗi chủ đầu tư sẽ được cấp tài khoản để có thể phản hồi và đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của nhà thầu trên nền tảng.
Đây được xem là cách góp phần hình thành thị trường điện mặt trời minh bạch hơn, trong bối cảnh nhiều thông tin đầu tư điện mặt trời thiếu kiểm chứng chất lượng, khiến suất đầu tư chênh lệch có thể lên đến 50% giá trị dự án cho mỗi kWp công suất.