Lưới truyền tải khó ‘đua’ kịp điện gió, mặt trời
Dự án điện mặt trời chỉ cần 6 tháng để thi công, vận hành, trong khi các dự án lưới điện cần 2-3 năm.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 8, tổng công suất các nguồn điện gió, mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW, trong đó điện gió khoảng 11.800 MW và điện mặt trời là 11.200 MW.
Hiện đã có 102 dự án điện mặt trời tổng công suất 6.314 MW đưa vào vận hành, trong đó riêng quý II/2019 là 90 dự án với tổng công suất 4.000 MW vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành điện và số nhà máy được đưa vào vận hành cũng nhiều nhất từ trước đến nay.
Thực tế, sự phát triển nóng của các dự án điện mặt trời, điện gió dẫn tới tình trạng một số đường dây, trạm biến áp 110-500 kV tại các khu vực như Ninh Thuận, Bình Thuận trong tình trạng quá tải vào thời điểm các dự án đồng thời phát công suất cao.
Một dự án điện mặt trời tại Bình Thuận. Ảnh: Trần Trung.
Trong quá trình vận hành, đại diện Trung tâm Điều độ quốc gia (A0) cho biết, họ buộc phải áp dụng giải pháp mở vòng, giảm huy động thuỷ điện trong khu vực để đảm bảo đường dây không vượt quá mức cho phép.
“Nguyên tắc chung là phân bổ đều công suất phát cho các nhà máy theo tỷ lệ công suất công bố, không phân biệt giá. Theo đó, các nhà máy năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động so với nhà máy truyền thống, như giảm huy động thuỷ điện để ưu tiên cho năng lượng tái tạo”, đại diện A0 chia sẻ,
Tới nay, 21 công trình lưới điện 110-500 kV phục vụ giải toả nguồn điện năng lượng tái tạo với trên đường dây 750 kM và các trạm biến áp tổng dung lưới 5.025 MVA đã hoàn thành. Việc loạt dự án đường dây lưới điện vượt tiến độ, đóng điện như trạm 220 kV Ninh Phước, Phan Rí hay nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm, Hàm Tân… đã góp phần đáng kể cắt giảm công suất các dự án năng lượng tái tạo.
Như riêng tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, sau khi nâng cấp lưới, tình trạng phải cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại đây đã giảm xuống còn 9,7% so với tỷ lệ 34% trước đây.
EVN đánh giá, các dự án lưới điện truyền tải hiện nay cơ bản giải toả hết công suất của 113 dự án điện mặt trời, điện gió đã đưa vào vận hành với tổng công suất hơn 5.700 MW, gồm cả dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 và dự án mới vận hành trong 8 tháng đầu năm 2020. Nhưng nỗi lo quá tải lưới vẫn hiện hữu khi số lượng lớn dự án điện mặt trời, điện gió sẽ “dồn toa” vận hành vào cuối năm nay để kịp hưởng giá ưu đãi mua điện theo Quyết định 13/2020.
Một chuyên gia trong lĩnh vực truyền tải chia sẻ, để triển khai một dự án điện mặt trời mất khoảng 6 tháng, trong khi dự án lưới truyền tải 220 kV, 500 kV cần tới 2-3 năm. Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất với dự án lưới điện giải toả công suất cho các dự án năng lượng tái tạo là giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng cũng là thách thức của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khi triển khai các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, chẳng hạn dự án đường dây Tháp Chàm – Ninh Phước, hay Tịnh Biên – Châu Đốc…
Ông Lâm Xuân Tuấn, Phó tổng giám đốc EVNSPC cho hay, với đường dây Tháp Chàm – Ninh Phước có 66 vị trí móng trụ, đã hoàn thành thoả thuận với các hộ dân tại 59 vị trí, còn lại đang thoả thuận để có mặt bằng sạch cho thi công. Tổng công ty cố gắng hoàn thành đóng điện đường dây này trong tháng 9 để giải toả công suất cho các nhà máy điện mặt trời trong khu vực.
Khó khăn khác trong quá trình thi công lưới truyền tải giải toả công suất cho các dự án năng lượng tái tạo là khó đạt được thoả thuận với các chủ đầu tư nhà máy đã phát điện để cắt điện thi công vào ban ngày. Vì thế, nhiều vị trí trụ cột hay quá trình kéo dây phải tính toán thi công vào chiều tối, ban đêm… Việc này phần nào ảnh hưởng tới tiến độ thi công dù các đơn vị điện lực bố trí tối đa lực lượng, thời gian làm đêm…
Dự báo sẽ thêm loạt dự án điện mặt trời, điện gió “chạy đua” vận hành vào những tháng cuối năm để hưởng giá FIT ưu đãi, lãnh đạo EVN đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải có liên quan tại các khu vực.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện mới này sẽ khó đáp ứng tiến độ đồng bộ với các công trình điện gió, mặt trời, đặc biệt trường hợp các chủ đầu tư sẽ cố gắng đưa vào vận hành thương mại để được hưởng cơ chế giá điện FIT hiện hành.