Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm NLTT
Tại tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết: Ninh Thuận có nguồn năng lượng gió lớn nhất trong cả nước, tốc độ gió trung bình trên 7m/s ở độ cao 65m trở lên; tương tự với điện mặt trời, với giá trị tổng bức xạ vào khoảng 5,5kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.800 giờ, thời gian chiếu sáng dài đồng đều. Chính vì vậy các nhà đầu tư đã tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) tại Ninh Thuận.
Đến nay, tỉnh đã có 10 dự án điện gió được cấp quyết định đầu tư, 3 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất gần 300MW. Tính đến tháng 6/2020, Ninh Thuận có 34 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.343MW được cấp quyết định đầu tư với tổng số vốn trên 62.000 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án vận hành thương mại đã phát điện trên hệ thống quốc gia với tổng công suất 1.339MW, dự kiến đến năm 2020 tiếp tục có 10 dự án đưa vào vận hành với công suất 784MW.
Theo các chuyên gia, hiện nay Ninh Thuận đã có cơ chế khá tốt về môi trường đầu tư để phát triển NLTT. Tuy nhiên khi xem xét phát triển NLTT cũng cần cân đối để phát triển các mô hình kinh tế khác, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội của bà con không, tỷ lệ phát thải, ảnh hưởng về môi trường….
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, có 2 vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm đó là quy hoạch và cơ chế. Hiện có nhiều nhà máy từ 10 đến 20MW nhưng nhà máy trên 100MW còn thiếu, chúng ta nên quy hoạch phát triển vùng NLTT sâu và rộng để các nhà đầu tư thấy được họ có thể đặt bản doanh của mình và tập trung nguồn lực lớn cho một dự án. Bên cạnh đó, việc giải toả công suất cũng cần được chuẩn bị để phù hợp với sự phát triển nguồn điện. Từ Quyết định 11 đến Quyết định 13/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo ra nhiều cuộc đua xong cơ chế cần mang tính ổn định chứ không thể chạy đua mãi khiến doanh nghiệp đuối sức.
Tiến sĩ Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học năng lượng cho rằng, Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời tốt nhất trong cả nước và đến nay đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và trở thành trung tâm năng lượng sạch trong cả nước thì cần các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án cho các nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường dây tải điện mới để các nhà máy phát huy tối đa công suất.
Kết luận hội thảo, ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh: NLTT là động lực để Ninh Thuận phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác liên quan để Ninh Thuận có thể phát triển bền vững. Trên cơ sở các tham luận, ý kiến tại hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách một cách cụ thể cũng như phát triển có định hướng hài hòa giữa năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, bất động sản… để đưa Ninh Thuận sớm trở thành trung tâm NLTT của cả nước.